Một số điều cần biết khi sử dụng dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải
Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải là dung dịch chứa nhiều các chất dinh dưỡng được tiêm truyền trực tiếp vào cơ thể qua đường tĩnh mạch giúp điều trị hoặc phục hồi sức khoẻ. Nhưng không được tự ý truyền dịch bừa bãi bởi có thể sẽ gây nên những biến chứng như suy tim, phù phổi, thậm chí là dẫn đến tử vong. Vậy khi nào sử dụng dung dịch bù nước và điện giải.
Dung dịch tiêm truyền là gì?
Dung dịch tiêm truyền là những dung dịch thuốc có đặc tính vô khuẩn dùng để tiêm truyền trực tiếp vào cơ thể qua tĩnh mạch với thể tích lớn. Trong dung dịch tiêm truyền có chứa đầy đủ các chất giúp bổ sung vitamin, hồi phục sức khỏe hoặc có thể thay thế huyết tương khi cần.
Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải là gì?
Đây là một trong những loại dung dịch tiêm truyền giúp bù lại lượng nước và chất điện giải đã mất trong trường hợp tiêu chảy nặng hoặc sử dụng thuốc điện giải mà không có hiệu quả.
Ngoài ra, dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải còn có tác dụng cân bằng các chất điện giải trong trường hợp mất máu, mất mồ hôi khi làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Đồng thời nó còn có tác dụng giúp cơ thể giải độc nhanh trong những trường hợp bị ngộ độc thuốc, ngộ độc thức ăn,…
Đặc tính của dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải
Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải là một dạng thuốc tiêm nên phải đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng chung của Bộ y tế. Vì dung dịch được tiêm truyền trực tiếp vào cơ thể với liều lượng lớn và có thể lên đến hàng trăm mililit cho mỗi lần truyền nên dung dịch tiêm truyền có một số đặc điểm khác so với thuốc tiêm.
- Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải không chứa các dược chất có hoạt tính mạnh. Nguyên nhân là vì dung dịch này được truyền với liều lượng lớn nên nếu các chất có trong dung dịch quá mạnh sẽ làm tăng độc tính hoặc sẽ sốc phản vệ với trường hợp người bệnh yếu không kịp hấp thụ.
- Dung dịch tiêm truyền không được có các chất gây sốt và phải đảm bảo tiệt trùng vi khuẩn để tránh gây kích ứng, nguy hiểm là co giật và hoại tử chỗ tiêm. Để đảm bảo được chất lượng này, thuốc phải được tiệt khuẩn bằng nhiệt trong nồi hấp ngay sau khi pha chế xong và phải được bảo quản trong môi trường sạch sẽ, có tính khử trùng cao.
- Một số dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải là dung dịch ưu trương nên khi truyền cần phải chú ý truyền thật chậm để tránh gây sốc.
- Dung dịch tiêm truyền không được chứa các chất tiểu có thể quan sát bằng mắt thường, chỉ cho phép có một số lượng nhất định có thể phát hiện bằng máy đếm tiểu phân hoặc lọc và kính hiển vi.
Những trường hợp sử dụng dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải
Dựa vào thành phần cấu tạo, tính chất và tác dụng, dung dịch tiêm truyền được chia ra nhiều loại khác nhau, trong đó có dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải. Dung dịch này được dùng để điều trị cho các trường hợp:
- Bù nước và điện giải trong điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em. Theo các nhà khoa học, có khoảng 80% số trẻ em tiêu chảy cấp tử vong là do mất nước và chất điện giải trầm trọng, không được bổ sung kịp thời. Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải được dùng trong trường hợp này là huyết thanh Nacl 0,9%, huyết thanh glucose 5%, lactat hoặc acetate Ringer, dung dịch Darrow. Khi trẻ rơi vào trạng thái hôn mê, tiêm truyền tĩnh mạch các dung dịch lactate Ringer với liều lượng 30ml/kg mỗi giờ. Sau đó sẽ quan sát, đánh giá tình trạng mất nước của trẻ và tiếp tục tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch lactat Ringer với liều lượng 70ml/kg sau 5 giờ.
- Đối với trẻ trên 1 tuổi có thể tiêm truyền nhanh hơn và tiếp tục theo dõi tình trạng mất nước của trẻ. Nếu trẻ đỡ hơn sẽ ngừng tiêm truyền và cho trẻ uống nước dung dịch bù nước và điện giải. Nếu không có dung dịch lactat Ringer có thể thay thế bằng dung dịch acetat Ringer hoặc dung dịch muối NaCl 0,9%. Lưu ý dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải chỉ sử dụng trong các trường hợp trẻ bị tiêu chảy cấp có nhiễm khuẩn do mắc các bệnh tả, lỵ trực tràng,…
- Đối với trẻ suy dinh dưỡng mà bị tiêu chảy việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn và khi tiêm truyền dễ bị phù, suy tim. Trẻ bị tiêu chảy kèm theo sốt cao, co giật thì phải tìm ổ nhiễm khuẩn và cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt, dùng thuốc an thần để phòng co giật.
- Người lớn khi bị tiêu chảy kèm theo các triệu chứng nôn nhiều, sốt cao, phát ban, có nguy cơ mất nước sẽ phải dùng dung dịch truyền bù nước và điện giải.
- Người bị rối loạn điện giải. Trong trường hợp bị rối loạn nhẹ người bệnh sẽ ít xuất hiện triệu chứng, đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng các triệu chứng bắt đầu rõ ràng hơn. Biểu hiện là cơ thể mệt mỏi, đau bụng, rối loạn nhịp tim, đau nhức đầu,… Khi gặp các triệu chứng bất thường trên, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý, tránh tình trạng nguy hiểm đến cơ thể nếu không chữa trị kịp thời.
- Người bị say nắng. Đối với người phải làm việc dưới môi trường nhiệt độ cao hoặc ánh nắng trực tiếp sẽ dễ dẫn đến cơ thể bị mất nước, mất muối quá nhiều dẫn đến khát nước, hoa mắt, tim đập nhanh, tụt huyết áp, ngất xỉu. Khi đó cơ thể sẽ cần phải bổ sung dung dịch bù nước và điện giải bằng cách truyền tĩnh mạch.
Một số loại dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải
Truyền dịch bù nước và điện giải rất cần thiết và là biện pháp cấp cứu hữu hiệu trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên cần phải nắm rõ đặc tính của các dung dịch bù nước và điện giải để sử dụng cho phù hợp với loại bệnh. Vậy dung dịch bù nước và điện giải có có những loại nào và cách dùng của chúng?
Dung dịch bù nước và điện giải bao gồm dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer lactat , dung dịch Kali clorid 2%, dung dịch Glucose 5%, …
Dung dịch natri clorid 0,9%
Natri clorid 0,9% là dung dịch muối ăn có nồng độ 0,9%. Đây là nước muối sinh lý giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể, có vai trò trong các xung thần kinh và cơ bắp của cơ bắp.
Nước muối sinh lý được dùng để điều trị hoặc ngăn ngừa tình trạng mất muối do tiêu chảy, đổ mồ hôi quá nhiều, sốt cao,.. Ngoài ra nó còn được dùng để thay thế cho dịch ngoại bào, giảm natri nhẹ và được dùng trong thẩm tách máu. Dung dịch Natri clorid 0,9% cũng được dùng làm dung môi pha tiêm truyền một số loại thuốc.
Natri clorid 0,9% gồm các dạng:
- Dung dịch muối rửa mũi 0,9% có 3 dung tích 90ml, 240ml, 500ml
- Dung dịch nhỏ mắt natri clorid 0,9%
- Dung dịch nhỏ mũi natri clorid 0,9%
- Gel
- Dung dịch lỏng, dùng bên ngoài
- Thuốc mỡ tra mắt 5%
Khi sử dụng dung dịch natri clorid 0,9% cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ: tim đập nhanh, sốt, khàn giọng, nổi mẩn đỏ ở da, thở bị hụt hơi, hô hấp có vấn đề và một số triệu chứng khác như đau khớp, sưng mí mắt, bàn tay, bàn chân,…
Một số lưu ý khi sử dụng dung dịch Natri Clorid 0,9%
- Với người bệnh suy tim sung huyết hoặc mắc các tình trạng giữ natri khi sử dụng dung dịch phải hết sức thận trọng.
- Không sử dụng dung dịch natri clorid 0,9% cho người bị suy thận nặng, xơ gan, đang dùng các thuốc corticosteroid hoặc corticotropin.
- Phải thận trọng với người cao tuổi và người sau phẫu thuật.
- Không dùng các dung dịch natri clorid có chất bảo quản alcol benzylic để pha thuốc cho trẻ sơ sinh bởi đã có nhiều trường hợp tử vong.
- Với những người đang mang thai hoặc đang cho con bú thì nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng.
- Không sử dụng dung dịch khi đang dùng thuốc kê toa hoặc các thực phẩm chức năng và thảo dược.
Dung dịch Ringer lactat
Dung dịch Ringer lactat là thuốc truyền tĩnh mạch có tác dụng hỗ trợ các trường hợp rối loạn nước và điện giải, sốc, giảm thể tích tuần hoàn hoặc nhiễm toan chuyển hoá.
Dịch truyền được chỉ định cho các trường hợp
- Sử dụng trong bệnh viện dưới sự cho phép của bác sĩ.
- Người mất nước chủ yếu ngoài tế bào và trong trạng thái người bệnh hôn mê, không thể uống, truy mạch.
- Sốc phản vệ, sốt xuất huyết, thể tích tuần hoàn giảm mạnh cần bù nước và điện giải nhanh.
- Dùng Ringer lactat có glucose để truyền cho người bị nhiễm toan chuyên hoá
Những lưu ý khi dùng dung dịch Ringer Lactat
- Khi truyền quá nhiều dung dịch Ringer Lactat có thể gây nhiễm kiềm chuyển hoá và phù nề.
- Dung dịch này có chứa canxi nên không được truyền cùng một dây truyền với máu vì sẽ dẫn đến nguy cơ đông máu.
- Dung dịch có phản ứng ngược với Ceftriaxone nên không dùng để pha chung với nhau khi truyền.
- Khi truyền cần chú ý truyền chậm và cần phải theo dõi chặt chẽ người bệnh, đặc biệt là người mất cân bằng nước – điện giải.
- Không được dùng dung dịch Ringer Lactat để tiêm vào bắp.
- Không dùng cho người bị suy thận, suy thận, tăng kali huyết.
- Đối với trường hợp có thai và cho con bú cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
- Khi thấy người bệnh có biểu hiện phù, rối loạn điện giải, suy tim cấp gây tử vong, khó thở phải ngừng truyền ngay.
Dung dịch Kali clorid 2%
Kali là nguyên tố có trong chất điện giải và có vai trò quan trọng đối với cơ xương, sản xuất năng lượng, duy trì huyết áp bình thường cho cơ thể. Dung dịch Kali clorid có tác dụng bổ sung kali và giúp điều chỉnh nồng độ kali trong máu, điều trị hạ kali máu ở mức độ nặng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch.
Khi sử dụng dung dịch Kali clorid có thể gây ra các tác dụng phụ như giảm bạch cầu, tăng kali máu, buồn nôn, viêm dạ dày,… và không sử dụng cho người tăng kali máu, suy thận.
Không phối hợp kali clorid với các thuốc lợi tiểu như Spinorolacton, amilorid,…, thuốc ức chế Captopril, Lisnopril,…, thuốc đối kháng thụ thể Angiotensuin II. Những loại thuốc này tương tác với kali clorid làm tăng kali máu dẫn đến ngừng tim. Trong quá trình sử dụng dung dịch truyền cần phải theo dõi nồng độ kali trong máu.
Dung dịch Glucose 5%
Dung dịch Glucose 5%
Dung dịch Glucose 5%: là dịch truyền tĩnh mạch, được dùng để cung cấp nước và bổ sung năng lượng cho cơ thể. Glucose 5% được dùng để:
- Cung cấp nước và nguồn năng lượng
- Giải độc đối với trường hợp nhiễm khuẩn cấp, ngộ độc, viêm gan, xơ gan,..
- Được sử dụng làm chất dinh dưỡng hỗ trợ cho những bệnh nhân bị mất máu, mất nước do nôn mửa hoặc tiêu chảy,…
- Được sử dụng làm chất dẫn truyền thuốc vào cơ thể trước và sau khi phẫu thuật.
Không truyền dung dịch Glucose 5% cho:
- Người bị dị ứng hoặc không dung nạp được Glucose
- Người đang trong tình trạng ứ nước hoặc mất nước
- Người đang bị hôn mê, hạ kali máu,…
- Người mắc bệnh vô niệu hoặc bị chảy máu trong tủy sống , trong sọ
- Người bị ngộ độc rượu kèm theo triệu chứng mất nước
- Người vừa bị tai biến mạch máu não.
Lưu ý một số tác dụng phụ có thể gặp:
- Bị kích ứng tĩnh mạch hoặc bị viêm tĩnh mạch
- Có thể sẽ có cảm giác đau buốt ở vị trí truyền
- Tiểu nhiều
- Rối loạn nước và chất điện giải
Khi dùng dung dịch Glucose 5% không nên dùng chung với thuốc điều trị tiểu đường vì có thể sẽ làm tăng mức đường huyết và sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc tiểu đường. Người bệnh nên tránh tự ý sử dụng, thay đổi liều lượng và tự ý dùng khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
Một số lưu ý khi truyền dung dịch bù nước và điện giải
Truyền dịch khá nguy hiểm nên không phải nhân viên y tế hoặc bác sĩ nào cũng có đủ chuyên môn để ứng phó với những trường hợp rủi ro khi truyền dịch. Do đó cần phải chú ý một số vấn đề trước khi truyền dịch:
- Chỉ truyền dung dịch khi có sự chỉ định của bác sĩ y chuyên khoa và sử dụng đúng liều lượng.
- Luôn có sẵn bộ dụng cụ xử lý tai biến, thuốc chống sốc và dụng cụ truyền phải đảm bảo được khử trùng theo đúng quy trình.
- Trước khi truyền cho người bệnh phải loại bỏ bọt khí bằng cách cho chảy vài giọt ra ngoài.
- Nếu người bệnh vẫn có thể ăn uống thì nên thay đổi và bổ sung chất dinh dưỡng, hạn chế truyền dịch.
- Với những bệnh nhân mệt thì phải truyền thật chậm để tránh gây ra tình trạng sốc thuốc.
- Khi truyền dung dịch cho người già, người thận yếu, bệnh nhân tim mạch, người có bệnh lý về não cần phải chú ý.
- Không được truyền dung dịch bù nước và điện giải cho trẻ đang bị sốt vì những chất này sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não.
- Bệnh nhân viêm phổi không nên truyền dung dịch bù nước và điện giải vì nó làm tăng gánh nặng cho tim, phổi
- Người nhiễm trùng không nên truyền dịch vì không có tác dụng mà dễ gây các nguy cơ biến chứng khác.
- Đối với người bệnh bị viêm não, viêm màng não, khi chọn dung dịch truyền phải theo chỉ định của bác sĩ.
Dung dịch tiêm truyền bù nước và điện giải giúp hồi phục sức khỏe một cách nhanh chóng bởi thuốc được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch thúc đẩy quá trình hấp thụ được nhanh hơn. Vì vậy dung dịch sẽ được dùng trong những trường hợp bệnh ở mức độ nặng. Tuy nhiên không nên lạm dụng dung dịch bù nước và điện giải này mà phải dùng theo sự chỉ định của bác sĩ để có được hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra khi sử dụng dung dịch cũng cần phải theo dõi tình trạng bệnh, nhất là những trường hợp dễ phản ứng với thuốc.
- Sản phẩm chính hãng, mẫu mã đa dạng.
- Chuyên gia sức khỏe đồng hành 24/7.
- Quy trình test nước 9 bước độc quyền.
- Lắp đặt và tư vấn bởi đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Nhật.
- Bảo hành chính hãng, bảo dưỡng trọn đời.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!